Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Lão Sĩ Hết Thời


     Trong một thị-trấn với con đường cũ duy-nhất, tôi đã gặp ông già viết câu đối cho những người thích văn hay chữ tốt. Chỗ làm việc của ông là một tấm ván bắt trên hai con ngựa gỗ trước một cửa hàng tổng-quát. Nhiều dãy câu đối với ý-nghĩa may mắn được viết trên giấy đỏ bóng đang treo tòn teng ở cạnh tấm ván. Tôi đọc được những câu như:
     “Rồng Phượng tốt lành, gia-đình hạnh-phúc.
     Ra đường gặp may, bạc tiền nẩy lộc“.
     “Làm ăn phát đạt như tứ hải,
     Của cải dồi dào tựa tam giang“.
     Tất cả những cầu này đã có tự ngàn xưa, nhưng nay ít ai còn nhớ, vì người ta phải thuộc lòng các khẩu hiệu và lời nói của Mao Trạch Đông. Lại có một cặp câu đối khác:
     “Gặp người tươi cười, niềm vui sẽ đến; 
     Gặp khó xem nhẹ, vận hạn sẽ qua“.
     Câu này có thể do ông nghĩ  ra, hoặc căn cứ trên kinh-nghiệm của ông bà đã từng va chạm trong cuộc sống. Câu đối được viết bằng nét chữ kiểu cọ sắc bén trông giống như chữ viết của các đạo-sĩ Lão giáo.
     Người thảo câu đối ngồi đàng sau tấm ván là một ông già mặc chiếc áo kiểu xưa, cày nút dài xuống đến dưới. Đặc biệt,  chiếc nón quân-đội cũ xì bạc màu đội ngược ra phía sau làm cho ông có vẻ khôi-hài và dễ được chú ý.
     Thấy ông vừa lấy một chiếc gương bát quái chận giấy cho khỏi bay, tôi tiến đến bắt chuyện:
-  Chào đại ca! Làm ăn khá chớ?
-  Cũng đỡ!
-  Viết một hàng chữ giá bao nhiêu?
     -  Có câu hai đồng, câu ba đồng. Càng nhiều chữ càng mắc.
-  Còn chỉ có một câu may mắn thì sao?
-  Một đồng!
-  Nhưng câu nầy đơn-giản quá mà!
-  Cũng vậy! Tôi viết tại chỗ cho anh.
-  Nếu vẽ hình nhân bùa phép để xua tà, tránh nạn thì sao?
Ông nhìn lên tôi, nói: “Không làm được!“
-  Tại sao không được?
-  Anh là cán-bộ, anh biết mà!
     -  Tôi không phải là cán-bộ, cán biết gì cả.
     Ông già châm biếm:
     -  Nhưng nhà nước nuôi anh!
     Tôi thấy cần phải thắng điểm ông già này mới được.
     -  Thưa đại ca, có phải ông là một thầy giảng đạo Lão?
     -  Tôi bỏ lâu rồi!
     -  Dĩ nhiên tôi hiểu điều đó, nhưng tôi hỏi thật: ông có biết rành hết các nghi-lễ đạo Lão không?
     -  Biết! Nhưng nhà nước cấm các hình-thức mê tín dị đoan.
     -  Đâu ai cấm cản, tôi đang thu-thập nhiều bài nhạc cổ, ngay cả lễ-nhạc thấy người ta vẫn hát. Hội Lão giáo đã tái đăng-ký  mở cửa hoạt động lại, ông còn sợ gì?
     - Đó là các chùa lớn, còn chúng tôi chỉ là mấy ngọn đuốc lẻ tẻ, không được cho phép hành lễ.
     Nói chuyện với ông già này, niềm hứng-khởi của tôi mỗi lúc một gia-tăng.
     -  Những đạo-sĩ bình-dân như đại-ca tôi thích lắm! Ông có thể hát cho tôi vài bài nghe được không? Chẳng hạn lễ-nhạc cúng tế, lề-nhạc sai khiến ma quỷ.
     Ông cao hứng hát vài câu rồi nín khe. “Không được! Không được! Không nên quấy rầy thần linh, ma quỉ nếu không có lý do chính đáng. Hơn nữa, cần thắp nhang cúng vái họ mới chịu về!”.
     Trong lúc ông hát, một đám đông đã bu tới. Có người kêu:
     -  Ê! Ông già! Hát cho chúng tôi những bài ca ngắn tục tĩu đi!
     Cả đám đông cười rộ khiến ông tự nhiên, dạn-dĩ:
     - Tôi sẽ hát bài ca tình-yêu trên núi. Được chưa?
     Đám đông nhao lên: “Ông già ngon lành! Ông già ngon lành!“ làm ông cao-hứng cất giọng:
               Có cô gái trẻ lên núi hái trà
               Một chàng trai xách rìu đốn củi
              Cô gái đòi lấy ngay chàng trai
              Cả hai làm vịt trời bay mất!               
     Cả rừng người vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Bỗng có người yêu-cầu: Hãy hát cho chúng tôi một bài ca tục đi!; người khác cổ võ:
-  Ông già gân! Hát đi ông giàgân!
     Ông nhún vai đi bắt tay đám đông, nói “Không được đâu! Hát tục không được! Vi phạm luật-lệ phiền-phức lắm!”
     -  Đâu có sao bố già! Chỉ ca một bài thôi mà!
     -  Mấy ngươiụ ép buộc tôi đấy nhé! - Nói xong ông ra đứng giữa đám đông bắt giọng:
               Con cá lóc có cái đầu trơn bóng
               Đút vô cái chỗ gì để trống.  
     Người ta đã chọn tiếp đề tài. Ông già tằng hắng lấy giọng làm đám đông lại vỗ tay hoan-hô khiến ông khoái chí lấy tay chùi miệng sắp sửa hát tiếp. Bỗng ông khựng lại nói nhỏ: “Chết cha rồi! Công-an tới!“
     Mọi người quay lại. Không xa mấy, một chiếc nón trắng viền đỏ đang tiến đến những chiếc đầu lố nhố. Có người bạo dạn nói:
     -  Hát chơi thì sao chớ!
     -  Vui một chút không được sao?
     -  Bộ công-an là cha thiên hạ sao? Cái gì cũng dòm ngó người ta!
     Ông già ngồi xuống phân trần với đám đông:
     -  Các cha nói sao cũng đuợc. Nhưng khi mấy má đi rồi, con còn phải ở lại con làm ăn chớ!
     Cảnh-sát đến la lối đuổi mọi người giải-tán. Chờ tên cảnh-sát đi khuất, tôi mới lên tiếng: “Sau khi dẹp hàng, xin mời đại-ca về chỗ ở của tôi hát vài bài chơi. Tôi xin đãi ông một chầu”.
     Ông già còn hứng-chí, chưa dịu xuống nên gật đầu đồng-ý.
     -  Được! Tôi dẹp tiệm ngay bây giờ. - Nói xong, ông gom đồ đạc liền: “Chờ một chút, tôi mang tấm váng đi trả người ta“
    Thấy ông sốt sắng, tôi cần quan-tâm hơn dể tỏ ra mình lịch-sự
     -  Như vậy tôi làm cho ông hết kiếm tiền rồi!
     -  Không sao! Ngược lại, tôi có thêm đuợc một người bạn. Tôi đâu có kiếm ăn bằng cái nghề này. Ra tỉnh, tôi có thể bán một số câu đối kiếm tiền khá; còn ở đây chỉ kiếm chút cháo bỏ túi thêm vậy thôi. Đoạn, ông nói lớn: “Nếu dựa vào việc bán những tờ giấy này để sống, chắc tôi chết đói lâu rồi!”
     Tôi vào trước một quán ăn nằm chéo bên kia đường gọi sẵn rượu và thức ăn. Không bao lâu ông quảy túi đồ trên cây đòn gánh bước vô. Đồ nhậu mang ra, chúng tôi vừa ăn uống vừa chuyện trò. Ông kể năm mười tuổi, lúc cha ông bệnh nặng, người hứa sẽ gởi ông vào thiền-viện đạo Lão để phục-vụ nấu ăn cho các đạo-sĩ. Nhờ vậy, vị đạo-trưởng đã khai-sáng ông với Lão Tông Nhật Khóa nên bây giờ ông có thể ngâm lại từng bài một. Sau khi đạo-trưởng mất, ông kế vị điều-hành tu-viện nên biết rất rành các lễ-tụng và lễ-nhạc. Về sau khi phong-trào cải-cách ruộng đất phát-khởi, người ta tịch-thu thiền-viện đuổi ông về quê làm ruộng. Thấy ông hơi buồn, tôi hỏi về Cá Âm Dương với môn địa-lý nhơn-trạch, về Ngũ Lôi Chỉ Pháp, Bắc Đẫu Vũ Pháp, Hình Thái Học và các phương-pháp xoa bóp. Ông giải thích cặn kẽ từng câu hỏi làm cho tôi trố mắt khâm-phục.
     Câu chuyện hấp dẫn, nhưng nhà hàng quá đông người mà đa số là những nông dân nói chuyện ồn ào làm cho tôi mất hứng. Đây là những người vừa chấm dứt việc buôn bán trong ngày, kiếm được chút ít tiền nên vào ăn uống giải trí. Họ thách-thức uống rượu hoặc thi nhau kể chuyện, la lối om sòm. Tôi bảo ông là tôi đang có một máy cassette trong bị; những gì ông kể cho tôi nghe là những tài-liệu rất có giá-trị nên đề-nghị mời ông về chỗ trọ của tôi để thu băng. Ở đó yên-lặng hơn, ông tha hồ hát.
     Ông chịu liền:
     -  Xách rượu theo! Về nhà tôi uống. Nhà có đủ dụng-cụ hành-lễ, tôi còn giữ một chiếc áo lễ của đạo Lão.
     -  Ông còn cây kiếm trừ ma quỷ không?
     -  Cái đó tối cần-thiết!
     -  Và chắc ông cũng có đủ dụng-cụ điều binh khiển tướng chớ?
     -  Hẳn nhiên! Tôi có trống, có chiêng, phèng la và đầy đủ các thứ cần thiết cho lễ-nghi. Về nhà, tôi biểu diễn cho anh coi.
     -  Hay tuyệt!
     Tôi gõ xuống bàn, trả tiền rồi đứng dậy ra cửa với ông.
     -  Nhà đại-ca ở trong phố?
     -  Không xa! Không xa! Cứ đi trước đến trạm xe chờ tôi đi gởi cây đòn gánh rồi tới sau.
     Chưa quá mười phút, ông hối hả đến chỉ vào chiếc xe bảo tôi trèo lên ngay. “Sắp chạy rồi!”. Ngồi trong xe tôi hi-vọng chiếc xe chạy thẳng một mạch, không dừng lại trạm nào và bang quơ đưa mắt nhìn những tia nắng sót lại của mặt trời đã ngã vàng qua cửa sổ. Chẳng bao lâu ánh sáng cuối cùng cũng biến mất đàng sau rặng núi. Khi chiếc xe đến trạm chót ở một con phố nhỏ, nó quay đầu lại trở về ngay vì đó là chuyến xe cuối cùng.
     Khu phố chỉ có một con đường nhỏ duy-nhất dài khoảng năm mươi mét. Tôi không có ý-kiến là nơi đây có quán trọ hay không. Ông bảo tôi đứng chờ một chút rồi đi vào một trong những căn nhà trước mặt. Tôi thầm nghĩ đến đây, mình vừa được nghỉ ngơi, vừa được gặp một người nhiệt-tình và cho đó là một điều may mắn. Ông từ nhà đi ra, hai tay bưng một thau đậu hũ bảo tôi đi theo. Ra khỏi khu phố thì trời đã tối. Kẻ trước người sau, chúng tôi đang bước trên con đường đất nhỏ.
     -  Nhà đại-ca chắc gần chợ này?
     -  Không xa! Không xa!
     Đi một đỗi, tôi không còn thấy nhà cửa gì nữa hết. Màn đêm đã buông phủ. Tiếng ếch nhái đang kêu inh ỏi trong các đầm lầy chung quanh. Tôi lo trong bụng, nhưng thấy hỏi hoài cũng kỳ nên yên-lặng bước theo ông. Bỗng có tiếng máy xe nổ sau lưng. Một chiếc xe ủi đất đang lù lù tiến đến. Ông chạy theo; nửa chạy, nửa nhảy kêu réo om sòm. Tôi bám sát ông, nhảy vào thùng chứa đất. Trên con đường đất lồi lõm, chúng tôi bị nhồi như những hạt đậu khô đang nhảy trên chiếc rây suốt đoạn đường mười dặm.
     Trời tối hẳn. Ngọn đèn pha duy-nhất của chiếc xe ủi đất giống như con rồng một mắt đang chiếu chùm sáng vàng yếu không quá hai mươi bước đi trên con đường đất gập ghềnh không một bóng người. Ông nói to liên tu bất tận với người tài-xế bằng một thổ ngữ mà tôi chẳng hiểu được một câu; chỉ nghe tiếng động cơ chiếc máy ủi đang làm điếc tai. Giả-sử họ bàn về chuyện làm thịt tôi, tôi cũng đành chịu số phận! Sau cùng, chúng tôi đến cuối con đường. Một căn nhà tối thui hiện ra. Đó là nhà của tài-xế xe ủi. Ông già theo vô cửa, lấy mấy miếng đậu hũ tặng cho người tài-xế rồi trở ra. Đi theo ông, tôi lại cảm thấy con đường dài thăm thẳm, tối đen giữa đồng lầy.
     -  Chắc còn xa phải không sư-phụ?
-  Không xa! Không xa!
      Lúc nào ông cũng nói cũng một câu  “Không xa không xa“ mà sao tôi thấy nó mịt mùng quá trời!
     May thay! Ông tiến lên phía trước, dừng laiỉ đặt thau đậu hũ xuống đất rồi quơ tay tập thở. Tôi biết tất cả các đạo-sĩ Lão giáo đều có võ; bây giờ nếu bỏ chạy, chắc không còn kịp nữa và chắc chắn tôi sẽ xuống ruộng ăn bùn!
     Tiếng ếch thưa dần. Anh phản-chiếu trên cánh đồng cho biết chúng tôi đã đến miền núi. Để phá tan bầu không-khí im lặng, tôi cố tìm cách gợi chuyện. Tôi hỏi vị sư-phụ bất đắc dĩ này về mùa gặt và về đời sống khó nhọc trên đồng ruộng. Ông thành-thật nói: “Nếu đã chấp-nhận đi cày, người ta đừng bao giờ nghĩ đến chuyện làm giàu”.
     Ông bảo năm ngoái ông dám bỏ ra ba ngàn để biến hai mẫu ruộng thành ao nuôi cá. Tôi hỏi sao ông không nuôi ba-ba là loại rùa mu mềm mà hiện nay dân thành phố đang ưa thích. Có người nói ăn thịt rùa chống được bệnh ung-thư, kẻ khác còn nói nó tẩm bổ cho vụ đặc-biệt của đàn ông; hơn nữa giá lại cao. Ông bảo ông chỉ nuôi các loại cá nhỏ. “Nếu bỏ ba-ba vào, chúng ăn hết cá con của tôi thì sao?”. Sư-phụ Lão giáo tiếp: “Vụ nuôi cá, tôi cũng kiếm một mớ; nhưng không tìm mua gỗ được. Tôi có bảy thằng con trai mà chỉ có thằng lớn lấy vợ, sáu ông con còn lại chờ cất nhà mới chịu ra riêng”. Ông hi-vọng lúc ấy sẽ được thảnh-thơi, tối tối nằm nhìn sao trên trời thưởng-thức cảnh đêm cho vui tuổi già.
     Giữa bóng núi ảm-đạm có một ánh đèn leo lét; ông bảo đó là nơi chúng ta sẽ tới. “Tôi đã bảo với anh không xa mà!”
     Tôi muốn nói “Được rồi sư-phụ!“ nhưng không nói ra. Dân làng có quan-niệm riêng về khoảng-cách của họ và bây giờ tôi mới hiểu câu  “Không xa! Không xa!“ của ông.
     Đến mười giờ tối, chúng tôi mới đến một làng nhỏ trên núi. Nhang đang cháy trước nhà. Tôi thấy nhiều đồ gỗ, đồ đá có khắc chữ làm lễ vật. Tất cả đều bể hoặc hư hại. Có lẽ ông đã gom về từ chùa Lão giáo khi bọn tứ nhân bang chủ-trương tiêu-diệt tôn-giáo đập phá chùa chiền. Bây giờ ông đã sửa chữa lại, bày biện trong nhà. Trên kèo có nhiều giấy bùa thần Lão treo lủng lẳng. Tôi đang mải mê quan sát thì sáu đứa con của ông cùng xuất hiện: Thằng lớn nhất mười tám, ông nhỏ nhất mười một. Chỉ thiếu cậu cả có vợ là không có mặt. Vợ ông là một người đàn bà nhỏ thó đứng bên cạnh một bà cụ khoảng tám mươi trông còn quắc thước. Vợ con ông bận rộn một lúc rồi trở ra để tôi bỗng nhiên được giới thiệu là khách danh-dự. Thôi thì cũng đỡ tủi cho cặp giò của tôi! Họ mang nước nóng cho tôi rửa mặt, rửa chân; đưa cho tôi đôi dép cũ của ông già và cho tôi một cốc trà đậm.
     Trong phút chốc, sáu người con khệ nệ mang ra nào là chiêng, là trống, chập chả nhỏ, chập chả to cùng với hai chiếc phèng la; một chiếc nhỏ, một chiếc to treo trên giá gỗ. Rồi tiếng trống vang lên, sư-phụ tôi từ từ bước xuống thang, đi chậm rãi oai-phong lẫm liệt trong chiếc áo màu tím của Lão sĩ đã rách tơi tả, nhưng vẫn được trang trí bằng con cá Âm Dương và chiếc bùa bát quái trước ngực. Ông còn trông lẫm liệt hơn với cây kiếm linh và một chiếc sừng bò trên tay. Bây giờ tôi mới thấy ông hoàn-toàn khác biệt không giống một ông già vui tánh đã làm khổ tôi từ sáng đến tối. Ông nghiêm-nghị tiến đến bàn thờ một cách cẩn-trọng như thể đang đếm từng bước đi. Ông đốt một cây nhang, xá trước bàn thờ. Đàn ông, đàn bà, con nít trong làng nghe tiếng trống đến bu đầy trước cửa. Lập tức, cuộc hành lễ quan-trọng của đạo Lão bắt đầu.
     Cám ơn! Sư-phụ đã không phụ lòng tôi!
     Trước hết, ông lấy một chén nước trong, vừa ngâm nga vừa rải bốn góc nhà. Khi ông rải nước trên chân đám đông ngoài cửa, mọi người cười ồn lên nhưng ông không hề xúc-cảm. Mắt ông híp lại, miệng trề ra tạo một vẻ mặt khẩn-trương như thể ông đang tiếp-xúc với các linh-hồn làm cho họ càng cười to hơn nữa. Bỗng dưng ông phất tay áo cái rột, dằn mạnh tấm bùa gỗ xuống bàn. Bấy giờ tiếng cười mới chịu im bặt. Ông quay sang tôi “Đây là những bài tôi sắp hát: bài ca năm đi xa, bài ca chín vì sao may rủi, bài hát mừng con trai, cháu nội, bài hát biến-thể, bài ca toán-số loại bỏ bốn vì sao xấu, tên thánh thần giữ cửa, chào mừng sự hi-sinh của thần đất, bài trục hồn ma phương Bắc. Muốn nghe bài nào?”. 
     -  Xin thầy cho nghe bài trục hồn ma dưới nước trước.
     -  Bài này che chở cho trẻ nhỏ tránh được bệnh tật và tai nạn.
     Nói xong, ông hướng vào đám đông hỏi lớn:
     -  Con cái nhà ai xung-phong cho tên họ và ngày sanh tháng đẻ bước lên đây.
     Có người lên tiếng: “Xách thằng nhỏ chó con ra!”
     -  Không!
     Thằng bé con ngồi ở bục cửa rút chân, co mình lại như một con sâu làm cho đám đông ôm bụng cười.
     -  Sợ gì chớ! Sau khi ông nội mày làm bùa, mày sẽ không còn bị bịnh nữa, sợ gì nhỏ?
     Đó là lời một bà sồn sồn đứng bên ngoài chỏ miệng vô nói. Nhưng thằng nhỏ núp vào đám đông với lòng dạ sắt đá nhất-định không chịu bước ra. Thấy vậy ông bảo: “Không sao! Không sao!”
     Ông kề tai tôi nói nhỏ: “Thường thường phải lấy một chén gạo, đặt một trứng gà luộc và đốt nhang vái, hồn mới chịu về.”
     Sau cùng có một đứa nhỏ bước ra quì xuống. Ông hô hoán:
    ”Tứ Phương Chân Đế, Uy Vương Đại Đế, Tinh Vương Phương Bắc Trong Chín Sao Giải Tà , Tinh Vương Trường Thọ Của Miếu Nam . . . Hai Thần Hoàng Giữ Xóm, Tổ Tiên Khuất Mặt, Con Cháu Táo Ông, xin hãy về đây chứng giám”. Đoạn, ông rút gươm ra múa hét: “Hồn hỡi hồn, hồn kíp về nhà, cuộc chơi bày sẵn, trẻ xanh hướng Đông, trẻ đỏ hướng Nam, trẻ trắng phương Tây, trẻ đen phương Bắc; tất cả sẽ mang hồn về dây”.
     “Hồn vất vưởng nơi nao, mau dừng cuộc chơi, đường xa khó về, ta sẽ đo đường đi cho hồn bằng cây thước ngọc; hồn chóng đến chỗ tối đen, nếu hồn rơi vào Thiên La Địa Võng, ta sẽ cắt lưới cho hồn. Nếu hồn đói khát mỏi mệt, ta có sẵn gạo muối cho hồn. Đừng ở trong rừng nghe chim hót, chớ ở dưới nước xem cá lội chơi. Nếu có ai gọi cả ngàn lần, hồn chớ nên đối đáp. Hồn hỡi hồn, vội vã về nhà. Từ rày về sau, hồn sẽ che chở cho thân xác, phách sẽ bảo vệ cửa nhà. Gió lạnh không thể vào, nước bụi khó lòng xâm phạm. Sự cường tráng lúc nhỏ làm tăng sức mạnh khi già để được sống lâu trăm tuổiụ, để được khỏe khoắn ngàn năm”.
     Ông già trâm một hồi mỏi miệng, lấy kiếm vẽ một vòng tròn trong không khí và phùng mang trợn mắt thổi chiếc sừng bò. Thổi xong, ông quay lại nói với tôi: “Tôi vừa vẽ một hình người linh-thiêng, nó sẽ mang lại may mắn cho đứa nhỏ”
     Tôi không thể nói là ông có tin-tưởng vào kỹ-thuật riêng của mình hay không; nhưng động-tác nhảy múa với cử-động chân tay của một võ sĩ oai-vệ làm cho ông rất hài lòng với chính mình. Việc thực-hiện Lão nhạc tại nhà với sự trợ giúp của sáu người con mang lại cho ông sự kính-trọng của dân làng, và hôm nay cộng thêm sự ái-mộ của một người ngoài khiến ông không dấu được niềm phấn-khởi ra mặt.
     Kế đó, ông trâm một tràng bùa chú để cầu trời, khẩn đất. Cây kiếm của ông trở nên khó hiểu với những động-tác rộng hơn trong khi ông đi vòng quanh chiếc bàn biểu diễn các đường kiếm bí-hiểm. Để tăng phần quan-trọng cho giọng ngâm và dáng-điệu của ông, các đứa con khua chiêng, đánh trống dồn dập, tạo âm-thanh điếc tai với nhiều nhịp-độ khác nhau. Đây là lần trổ tài đặc-biệt của người thanh niên trên dàn trống. Nóng quá, anh cởi phăng áo ra để lộ những bắp thịt nhỏ trên vai và trên xương sườn với nước da đen ngăm.
     Số người bên ngoài đến đông hơn, xô đẩy kẻ đứng trước tràn vào ngạch cửa làm cho một số nhanh chân bước vào đứng sát dọc hai bên tường; ngay cả có người còn ngồi đại xuống sàn gỗ. Sau mỗi đợt biểu-diễn, mọi người vỗ tay tán-thưởng và cùng cười vui với tôi làm cho ông già càng hài-lòng hơn. Ông không ngần ngại thực-hiện từng động-tác mà ông biết để triệu-hồi tất cả thần-linh, ma quỷ ngay từ quả tim của ông. Tôi thấy ông gần như muốn đứt thở và ở trong tình-trạng điên loạn. Lúc ấy băng nhựa trong chiếc máy thâu cũng vừa hết, tôi thay băng mới và ông cũng ngừng lại để thở dốc. Đàn ông, đàn bà trong nhà lẫn bên ngoài; tất cả đều hứng-chí. Họ cười, họ bàn-tán đùa giỡn với nhau rất huyên-náo. Cuộc họp làng chắc chắn chưa từng được vui nhộn như thế này.
     Trong lúc lau mồi hôi bằng một chiếc khăn cũ, ông già chỉ vào nhóm con gái đứng gần nói: “Nào! Bây giờ các cháu hãy hát cho thầy nghe một bài đi”. Các cô gái cười khúc khích. Sau khi đứa này đẩy đứa kia một lúc, chúng đưa Miêu Muội ra ngoài. Cô gái tròn trịa nầy chỉ độ mười bốn, mười lăm tuổi, hơi nhát nên mở tròn mắt hỏi “Em hát gì bây giờ?”
-  Hát bài tình ca trên núi đi!
-  Hát hai chị em đi lấy chồng!
-  Không! Bài hoa nở bốn mùa mới hay.
-  Ca bài nói về hai chị em khóc lúc về nhà chồng.
      Một người đàn bà đứng tuổi cạnh khuông cửa giới thiệu với tôi  “Bài ca này hay lắm‘’
     Cô gái liếc mắt nhìn tôi, e thẹn quay mặt chỗ khác và bắt đầu cất giọng. Tiếng hát cao vút của cô cắt đứt sự ồn ào của đám đông và cuốn xoáy trong không-gian. Bỗng chốc tiếng hát mang tôi từ những bóng người có mặt đến xa trong miền núi hoang dã. Tôi cảm thấy nỗi buồn của một con suối thì thầm và tiếng vi vu của gío núi xa xôi, nhưng rõ nét. Tôi nhớ lại ánh đuốc của những du khách đi đêm trong bóng núi chập chùng. Hình ảnh ấy đang trôi nổi trước mắt. Rồi tôi bỗng nhớ lại hai bà cháu giắt nhau đi trong đêm: đó là một cụ già cầm bó đuốc nhựa thông, dẫn theo một cô gái trạc tuổi người ca sĩ đang hát. Cô gái kia có gương mặt gầy buồn, mặc quần dài và một chiếc áo hoa màu. Họ đi ngang qua trước nhà một thầy giáo dạy tiểu-học trong làng núi. Vào lúc ấy tôi đang ngồi chơi trong phòng, không biết họ từ đâu đến và họ sẽ đi về đâu; nhưng tôi biết chắc phía trước họ là một ngọn núi đen to lớn. Họ có nhìn vào trong nhà, nhưng không dừng lại mà tiếp tục hướng thẳng đến bóng núi đen, để lại đàng sau những đốm lửa còn rực sáng một lúc lâu trước cửa. Khi ánh lửa khuất rồi hiện ra từ phía sau những bóng cây ở vách núi, nó trở thành một vệt sáng lay động đang lùi dần vào rặng núi đen thẫm và để lại những đốm sáng gián đoạn làm dấu lối đi. Sau đó là không còn gì nữa, những đốm than đỏ hồng cháy vụn hoàn-toàn biến mất. Hình-ảnh ấy giống như một tiếng ca. Tiếng ca lớn nhưng mang một nỗi buồn tinh-khiết chập chờn trong ánh lửa nhỏ nhoi, giống như một hạt đậu, giống như ngọn đèn cầy lung-linh trong bóng tối. Trong thời-gian ấy tôi cũng như những cô gái này; phải đi chân đất làm lụng trong đồng ruộng, chiều sập tối mới trở về. Và vì không có chỗ nào khác để đi chơi nên nhà cô giáo tiểu-học là nơi duy-nhất tôi có thể đến để tán gẫu, được uống trà hoặc chỉ ngồi thơ thẩn trước thềm để xua đi nỗi cô-đơn.
     Cái buồn của giọng hát lôi cuốn người bên trong lẫn bên ngoài đến chỗ im vắng. Không còn ai nói chuyện, họ đang lắng nghe. Sau khi cô gái dứt ca, một người con gái khác lớn tuổi hơn nàng, có lẽ sắp đi lấy chồng thở dài trong lúc đứng dựa vào khung cửa lên tiếng nhỏ: “Sao mà buồn quá vậy không biết!“
     Lúc bấy giờ người ta mới nhao nhao:
-  Thầy ơi! Hát tục đi thầy!
     -  Đừng lo! Ông chú già sẽ hát cho chúng ta bài “Trời chứng-kiến lần thứ năm“
     Nghe nói như vậy, hầu hết những thanh-niên trẻ kêu ầm lên. Dù mệt, lão-sĩ cũng cởi áo ra, đứng dậy đuổi các cô gái trẻ đang ngồi trên ngạch cửa “Con nít đi về nhà ngủ! Về ngủ đi! Hết hát rồi, hết hát rồi!”
     Mặc kệ ông la, không đứa nào chịu nhúc nhích nên một người đàn bà trung-niên đứng ngoài cửa lớn tiếng kêu tên từng đứa một đuổi về. Ông già dậm chân giả bộ giận dữ: “Tất cả mọi người ra hết! Ra hết! Đóng cửa lại! Tôi muốn đi ngủ!“ Thế là người đàn bà lách vào nhà lôi bọn con gái ra ngoài và nạt lớn mấy đứa con trai  “Mấy đứa bây cũng đi về luôn!“
     Đám thanh niên gầm gừ và có đứa còn nói tục.
     “Ye!“
     “Đi thì đi! Làm gì dữ vậy mẹ?”
     Bị đuổi hoài, hai đứa gái lớn sau cùng mới chịu nhóm đít bỏ đi. Rồi thì mọi ngươiụ xô đẩy nhau, la ó đi ra. Trẻ em, con gái đều bị đuổi về hết. Người đàn bà đi đóng cửa. Lợiỉ dụng cơ hội, một số người lớn lẻn vào trong. Người đàn bà khi nãy cài then cửa lại. Nhà kín mít nên nóng nực và sặc mùi mồ hôi. Ông già tằng hắng, nhổ nước miếng và nháy mắt với số đông còn lại. Đến lúc này ông thoát-xác trở lại thành một người tài-nghệ, hơi dâm tục và quỷ quái. Sau khi đi rảo một vòng, ông bắt đầu lên giọng:
               Đàn ông cấy; cấy cái gì đó?
               Họ đang cấy, cấy bằng cây cọc.  
               Đàn bà cấy; họ cấy bằng gì?
               Họ đang cấy, cấy bằng chiếc lỗ.
     Một tràng cười vang lên. Ông già lấy tay  quẹt miệng hát tiếp:
               Khi đã cắm sâu vào lỗ
               Cọc nhúc nhích như con lươn.
     Ca tới đó, cả đám cười rầm lên. Có người còn lập lại và người khác chịu quá dậm chân hưởng ứng.
     Bỗng một người hô lớn “Ông già! Hát bài thằng ngốc lấy vợ đi ông già!“ Họ lại cười to hơn nữa.
     Ông đạo-sĩ lấy sức kéo chiếc bàn lui lại để có chỗ trống giữa phòng. Ông bắt đầu đứng hạ người xuống; nhưng ngay lúc đó có tiếng đập cửa. Ông mất hứng lên tiếng hỏi “Ai đó!“
     “Tôi!“ Tiếng người đàn ông bên ngoài cửa đáp lại. Cửa mở; lập tức một người đàn ông trẻ bước vô với chiếc áo choàng trên vai; chiếc đầu có đường rẽ tóc khéo léo.
     Đám đông xì xào: “Ông làng trưởng! Ổng đến! Ông trưởng làng ổng đến rồi bà con ôi!“
     Ông già đứng dậy. Người thanh niên mỉm cười, nhưng khi nhìn thấy chiếc máy thu băng đặt trên bàn, anh đảo mắt nhìn mọi người và khi thấy tôi, anh ta rút nụ cười lại!
     -  Đây là khách của cha và đây là con trai trưởng của tôi. - Ông già đứng giữa giới-thiệu hai người chúng tôi.
     Tôi đưa tay ra bắt, nhưng anh ta chỉ kéo chiếc áo choàng vai xuống mà không thèm bắt tay tôi lại.
     Ông vội vã giải-thích:
     -  Anh này là một giáo-sư đến từ Bắc Kinh.
     Người con trai của ông cau mày hỏi:
     -  Anh có giấy tờ chính-thức không?
     -  Có giấy chứng-minh. - Vừa nói tôi vừa móc túi đưa thẻ hội nhà-văn cho anh ta.
     Anh ta xem tới, xem lui rồi đưa lại cho tôi.
     -  Thẻ này không giá trị vì không có thư giới-thiệu chính-thức.
     -  Anh muốn thư giới-thiệu loại nào?
     -  Loại có đóng mộc bởi chính-quyền xã hoặc quận mới được.
     Anh ta nửa tin nửa ngờ, giựt thẻ lại quan-sát kỹ dưới ánh đèn, nhưng cũng trả lại tôi.
     -  Không được rõ ràng.
     Tôi không chịu thua và không cần tỏ ra lịch-sự nữa.
     -  Xin lỗi! Tôi đến từ Bắc Kinh công-tác đặc-biệt tìm hiểu về dân ca ở đây!
     Thấy tôi không nhũn nhặn, anh nghiêm mặt trách người cha.
     -  Cha biết rõ điều này hoàn toàn phạm luật chớ ?
     -  Đây là một người bạn mới quen. – Ông già cãi. Nhưng trước mặt trưởng làng dù nó là con mình, ông cũng xuống nước.
Làng trưởng ra lịnh:
     -  Về nhà ngủ hết! Làm ồn như vầy là vi phạm luật-lệ.
     Một số người đã chuồn đi trước; mấy người còn lại cũng rút lui trong khi mấy đứa em anh ta lật đật dọn dẹp chiêng trống và các đồ khác lên lầu. Chỉ có tôi là người bất-mãn và có lẽ người cha còn bất-mãn hơn. Con ông đã dội một thùng nước lạnh trên đầu làm cho ông đứng lặng người. Mắt ông mất thần trông quá đau khổ đến nỗi tôi cảm thấy đau lòng trước tình-trạng này. Tôi thấy cần phải giải-thích:
     -  Cha anh là một nghệ-sĩ duy-nhất chuyên về dân ca. Tôi đến đây để học hỏi, đâu có làm gì trái với nguyên-tắc làm việc của anh. Ngoài ra còn có những điều khác cao hơn nguyên-tắc, ngay cả các nguyên-tắc lớn nữa kìa.
     -  Sáng mai anh lên gặp chính-quyền để chúng tôi đóng mộc xác-nhận trước khi anh trở về.
     Giọng nói anh ta dịu lại, đẩy ông già sang một bên và không nói tiếng nào, lấy áo choàng trên vai, rời căn nhà. Mọi người đã về hết, ông đạo-sĩ gài then cửa rồi đi xuống bếp. Một lúc sau, bà vợ gầy ốm nhỏ thó của ông bưng một tô thịt muối với đậu hũ và dưa chua lên. Tôi nói không thể ăn được, nhưng ông khẩn khoản mời hãy ăn một chút.
     Trên bàn ăn không một tiếng nói. Sau đó ông sắp đặt cho tôi ngủ chung với ông trong một phòng sát bếp mở ra chuồng heo. Lúc ấy là một giờ sáng.
     Sau khi thổi tắt đèn, bầy muỗi bắt đầu mở trận không-tập. Hai tay tôi không ngừng đập trên mặt, trên đầu và trên cổ. Căn phòng nóng, ngột ngạt và hôi thúi kinh-khủng. Con chó giữ nhà thấy có người khách lạ đến nên chạy nhảy đùa nghịch các con heo làm  chúng kêu ủn ỉn và không ngớt ủi mũi trong đất. Dưới gầm giường, gà buổi chiều quên nhốt cũng không ngủ được bởi con chó cứ chạy tới chạy lui làm cho chúng thỉnh thoảng đập cánh bình bịch.
     Mặc dù mệt lả người, tôi cũng không chợp mắt được chút nào. Không bao lâu tôi nghe tiếng gà trống gáy báo sáng, trong khi đó ông già đang ngáy kho kho. Tôi thắc-mắc không biết có phải muỗi tha cho ông và chỉ hút máu người lạ hay khi đã nằm xuống là ông ngủ như chết, không còn biết trời trăng gì. Mệt quá, tôi mở cửa ra ngồi trên thềm nhà. Gió mát làm cho tôi bớt chảy mồ hôi. Bầu trời xám đen không một vì sao vừa xuất-hiện giữa những dãy mờ rừng cây phía xa. Trước khi mặt trời mọc, người ta sống trong những căn nhà mái ngói xiêu vẹo ở làng núi này hãy còn say ngủ. Tôi không ngờ mình đã đến đây, và cũng không ngờ rằng một làng núi vỏn vẹn có mười căn nhà đã cho tôi một đêm đầy kích-động như thế. Bỗng một cơn gió lạnh thổi đến làm gián-đoạn luồng cảm-giác hối-hận của tôi. . .