Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Lênh Đênh Trăng Nước

(Linh Sơn, Cao Hành Kiện, Nobel Văn chương 2000)

Trà Nguyễn
(Tựa chương nầy do người dịch đặt ra)

     Dưới sự hướng-dẫn của hai người bạn, tôi đang sống nhiều ngày trên mạng sông nước. Chúng tôi đã làm bất cứ điều gì mình thích như đi đò, đi bộ hàng chục dậm hoặc đi xe đến các làmg mạc xa xôi .. Nay do một dịp may tình cờ chúng tôi đã đến thị-trấn này.
     Người bạn mới của tôi là một luật-sư. Anh biết rất rõ về phong tục địa phương, xã hội và chính trị. Bên cạnh anh còn có một bà bạn nói được thổ ngữ Tô Châu một cách nhỏ nhẹ. Với hai hướng-dẫn viên này, tôi thoải mái la cà khắp các phố ven sông. Dưới mắt họ, tôi, một kẻ lang bạt kỳ hồ lại là thượng-khách. Họ bảo đi chơi vói tôi như vầy khỏi phải lo lắng gì mà còn được sung sướng. Mỗi người trong bọn họ đều có rắc rối gia-đình, nhưng theo lời của ông bạn luật-sư, con người vốn là những cánh chim bay tự-do, vì thế đâu có gì hại khi người ta đi tìm hạnh-phúc. Anh ta mới làm luật-sư hai năm nay. Trước khi nghề-nghiệp bị bỏ quên nầy được phục-hồi, anh là một công-chức; bây giờ anh nghỉ việc sau khi thi đậu bằng hành nghề luật-sư. Anh quyết-định mở văn-phòng hợp-pháp chính-thức một ngày gần đây và cho đó là một nghề tự-do cũng như nghề viết văn. Nếu người ta nhận biện hộ cho trường-hợp của một người nào, đó đã là yếu-tố lựa chọn rồi. Nhưng chẳng may, lúc này anh không thể bênh vực cho tôi. Anh nói: “Khi nào hệ-thống luật-pháp tốt hơn, tôi sẽ mang trường-hợp của bạn ra tòa“. Lúc ấy chắc chắn tôi sẽ nhờ anh đại-diện. Tôi cho anh biết rõ tình-trạng của mình không nằm trong trường-hợp phạm luật thông thường như tiền bạc, tôi không làm hại đến một sợi tóc trên đầu của ai, cũng không làm tổn-thương đến danh tiếng người nào. Tôi không lường gạt, gian lận, trộm cắp, buôn thuốc lậu, nhất là không hãm hiếp người nào. Vậy không có lý-do gì đưa tôi ra tòa, nhưng nếu bị lôi ra, chắc chắn tôi sẽ không thắng kiện.
     Anh ta đưa tay lên trời nói đã biết điều này rồi, nhưng dù sao chúng ta cũng phải bàn qua.
     Bà bạn của anh lên tiếng:
     -  Đừng có khinh xuất nói đại rằng anh sẽ làm được điều không thể làm được đó nhé!
Anh nhìn người đàn bà nháy mắt, rồi quay lại hỏi tôi:
-  Bạn có nghĩ bà này đẹp không?
-  Đừng nghe lời thằng chả! Chả thiếu gì bạn gái.
-  Nói bà đẹp có tội gì chớ?
Bà thủ tay định đánh anh ta.
     Hai người rủ nhau kéo tôi lên một nhà hàng có cửa sổ nhìn xuống đường phố đãi tôi ăn tối. Khi chúng tôi ăn xong là 10 giờ đêm, nhưng bàn bên kia có bốn trự kêu thêm một chai rượu to và một loạt dĩa thức ăn. Bộ họ tính nhậu suốt đêm sao cà?
     Khi bước xuống cầu thang, chúng tôi thấy các gian hàng ăn uống hai bên đường hãy còn đèn sáng. Sự náo nhiệt ngày cũ đã trở lại với thị trấn nhỏ này. Sau một ngày mệt mỏi, điều khẩn cấp bây giờ là đi tìm một quán trọ sạch sẽ, tắm rửa, uống một bình trà cho sự mệt mỏi tiêu tan, dãn gân, dãn cốt và tán gẫu một chút; ngồi nằm gì cũng được.
     Ngày đầu tiên chúng tôi đến viếng những làng trong thị xã với các ngôi nhà cất từ thời-đại nhà Minh, đi tham quan một số sân khấu đại kịch, tìm những ngôi chùa cổ, chụp ảnh các cổng tưởng niệm xưa, đọc chữ khắc cổ và thăm viếng người già. Chúng tôi cũng đã vào một vài nhà chùa được trùng tu hay mới xây cất do tiền của dân chúng đóng góp, và có coi bói trong đó nữa. Đêm đó chúng tôi ở lại một gia đình có nhà mới xây trong một làng nhỏ vùng ngoại ô. Chủ nhà là một quân nhân già giải ngũ đón tiếp cho chúng tôi ngủ tạm và còn đãi ăn nữa. Ông kể cho chúng tôi những việc oai-hùng xảy ra trong thời gian ông tham-dự công-tác diệt trừ trộm cướp và cũng kể những mẩu chuyện về các bọn cướp hung dữ thời trước trong vùng. Sau đó, vì thấy chúng tôi mệt mỏi nên đưa chúng tôi lên gác, lấy một phòng trống không ngăn vách, trải rơm mới, mang mùng mền lại và nói nếu cần để đèn, chúng tôi phải cẩn thận, không thì chết cháy cả lũ. Chúng tôi cám ơn nói không cần nên ông xách xuống nhà dưới. Ba chúng tôi nằm dài trên rơm ấm. Hai người họ còn xầm xì, chỉ có tôi là ngáp lên ngáp xuống.
     Đêm hôm sau dưới bầu trời đầy sao, chúng tôi đến một thị trấn khác. Khi đến gõ cửa một nhà trọ, ông già ra mở cửa, chúng tôi thấy phòng nào phòng nấy đều mở cửa, không có lấy một người khách đến ở. Nhờ vậy chúng tôi lấy mỗi người một phòng. Nhưng chẳng bao lâu ông bạn luật-sư chạy qua phòng tôi trò chuyện, rồi bà bạn quí của ông ấy cũng nhào sang, nói ở một mình sợ ma. Bà nhảy phóc lên giường, chun dưới mền trùm đầu lại lắng nghe hai người chúng tôi nói chuyện nhảm.
     Anh ta có nhiều câu chuyện hấp dẫn không giống như những chuyện cũ rích và thiếu ăn khách của ông già giải ngũ đã kể. Là một luật-sư, anh có quyền nói chuyện và viết bản khai cung cũng như được tiếp xúc với tội phạm. Càng kể chuyện, anh ta càng hứng thú, nhất là những trường-hợp phạm tội hiếp dâm. Bà bạn của anh co người dưới tấm đắp như một con mèo luôn luôn ngắt lời hỏi: “Chuyện đó có thật không vậy cha?”
     -  Tôi đích-thân hỏi một số tội phạm. Năm trước có lịnh tầm nã những du đãng phạm luật; trong đêm một quận đã bắt 800 người bọn chúng. Đa số là thanh niên can tội xâm phạm tình dục không đáng bị kết án và chỉ có một thiểu số đáng tội tử hình. Tuy nhiên, một số lớn đã bị xử làm gương theo sắc luật của chính quyền cao cấp. Ngay cả các cán bộ có đầu óc suy nghĩ trong sở công an cũng cảm thấy đau lòng về hình phạt.
Tôi hỏi anh:
-  Anh có đứng ra bào chữa cho họ không?
Bà bạn nhắc:
-  Hãy nói về chuyện chúng ở truồng nhảy đầm đi.
     -  Từ từ! Làm gì nóng thế? Chuyện xảy ra như thế này: Ở ngoại ô thành phố có một vựa lúa trước kia thuộc về một toán sản-xuất tập thể; về sau ruộng được chia đều nên họ mang thóc làm ra về chứa trong nhà, do đó nhà kho bỏ trống không ai dùng. Cứ mỗi chủ nhật, khi trời vừa tối, rất đông thanh niên từ nhiều thành phố và thị xã lân cận kéo nhau đến bằng xe đạp hoặc xe gắn máy. Chúng mang theo máy hát, dĩa nhạc tổ chức khiêu vũ ở bên trong. Họ có người gác cửa, không cho dân địa phương vào. Vựa lúa có những cánh quạt gió rất cao nên từ bên ngoài người ta không thấy được gì ở trong. Dân làng tò mò nên vào một đêm có người bắt thang leo lên xem. Bên trong tối đen như mực; họ không thấy được gì mà chỉ nghe tiếng nhạc ầm ĩ. Sau đó họ đi báo cáo. Lực lượng công an đến bao vây bắt giữ hơn 100 người gồm con trai, em trai các cán bộ địa phương, công nhân trẻ, những người buôn bán nhỏ, những cô gái phụ tá phục vụ các cửa hàng và những thanh niên không có việc làm. Trong số đó có một ít trẻ vị thành niên, con trai lẫn con gái còn đang đi học. Sau đó một số bị án tù, những người khác bị gởi đi cải tạo lao động và chỉ có một số ít bị xử tử.
Người đàn bà luôn luôn thắc mắc:
-  Có thật họ nhảy đầm ở truồng không?
     -  Có như vậy! Nhưng chỉ một số nào đó thôi. Đa số chúng ham vui những sinh hoạt luyến ái nhỏ nhặt và có một số làm tình bên trong. Một đứa con gái mới 20 tuổi đầu khai đã bị chúng hiếp đến 200 lần. Cô ta quả thật là hoang dâm.
Lại cũng chính bà bạn lên tiếng hỏi:
-  Làm sao nó đếm được?
     -  Cô ta bảo lúc đó đã tê cứng không còn cảm giác nên chỉ nằm đếm. Tôi có vào gặp và nói chuyện với cô ta.
-  Vậy anh có hỏi cô ấy tại sao lại để sự việc xảy ra như thế?
     -  Cô trả lời lúc đầu do tò mò muốn biết. Trước khi đi khiêu vũ, cô chưa từng biết làm tình là gì, nhưng “một khi cổng đập đã mở thì không cách gì dừng nước lại được”. Chính miệng cô nói như vậy!
     -  Hoàn toàn đúng! Người đàn bà co mình dưới tấm đắp nói vọng ra.
-  Cô ấy hình dáng ra sao?
     -  Nhìn vào cô ấy, anh không thể tin được. Cô là một người rất bình thường, mặt cô ta có vẻ ngoan, không cảm xúc và không để lộ một chút gì về tính chất dâm loàn trên đó. Đầu cô ta bị cạo trọc và với bộ quần áo tù nên anh không thể nói cô thuộc hạng người nào. Tuy nhiên cô không cao lắm và có khuôn mặt tròn trịa. Cô ta không ngại nói về bất cứ điều gì, trả lời bất cứ điều gì anh hỏi không một chút xúc cảm.
Lại là tiếng của người đàn bà:
-  Rồi sao nữa?
-  Về sau cô bị xử tử!
Cả ba chúng tôi đều im lặng.
Chỉ một lúc lâu tôi mới lên tiếng hỏi :
-  Người ta khép cô tội gì?
     -  Tội gì à? Một du đãng dụ dỗ kẻ khác vào đường tội lỗi. Cô ta không đi một mình mà rủ theo nhiều đứa con gái khác. Thật ra các cô gái này cũng không vừa gì, vì chúng đã từng tham gia tích cực vào những sinh hoạt như thế.
     -  Điểm mấu chốt ở đây là tội nhân có thật sự dụ dỗ người khác đi vào con đường trụy lạc bất chính hay họ cũng đồng lõa trong vụ cưỡng hiếp.
     -  Nói cho đúng không có việc hãm hiếp. Tôi đã đọc hết cung từ; nhưng đối với trường-hợp cô ta bị cáo buộc lừa đảo kẻ khác vào đường tội lỗi, thật khó mà nói được.
Người đàn bà góp ý:
-  Dưới những hoàn-cảnh như vậy, thật khó nói chắc.
     -  Còn nguyên-nhân thì sao? Không bàn về cá-nhân cô ta, chỉ nói về việc cô đem những đứa con gái khác đi theo. Có ai yêu-cầu cô ta làm, hoặc cho tiền để cô ấy làm việc đó?
     -  Tôi có hỏi cô ta về điều này và được trả lời cô chỉ quen thân với một số bạn trai, có đi ăn nhậu vài lần với họ và không nhận tiền của bất cứ ai. Cô ta có việc làm hẳn hoi trong một tiệm thuốc tây hay phụ trách thuốc men trong một bệnh viện nào đó. Nói chung, cô ta là người có học.
Bà bạn không bỏ qua cơ hội:
     -  Việc đó không dính dáng gì đến trình-độ học-vấn. Nếu cô không phải là một con đĩ, thì chắc chắn cô ta phải có vấn-đề tâm-lý.
-  Theo bà, vấn đề tâm-lý đó thế nào?
     -  Anh còn phải hỏi! Nhà văn mà! Cô ta hư hỏng và muốn những đứa con gái chung quanh cũng hư hỏng như mình.
-  Tôi vẫn chưa hiểu.
     -  Anh hiểu quá đi chứ! Mỗi người đều muốn có cảm-giác luyếi ái. Cô ta phải yêu một người nào đó và không được đáp ứng nên tìm cách trả thù, và trước tiên là trả thù chính mình.
     Ông bạn luật-sư nãy giờ nhịn bà bạn, bây giờ quay lại hỏi:
-  Bà cũng muốn trả thù chớ?
     -  Nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó, tôi giết ông chết trước!
    
Câu nói và nét mặt của bà làm cho tôi không nín cười được. Tôi nghĩ mỗi người đều có cách hung dữ riêng của họ.
Vị luật-sư bắt đầu luận nghề-nghiệp.
     -  Vấn đề quan-trọng là hình phạt tối đa. Theo quan-điểm của tôi, trên nguyên-tắc, chỉ có sát nhân, gây hỏa hoạn chết người, và buôn bán bạch phiến mới được xem là trọng tội, bởi vì đó là nguyên nhân gây ra sự chết cho kẻ khác.
Nghe tới đó bà ta ngôi dậy chất-vấn ông luật-sư:
-  Ông nói vậy, hiếp dâm không phải là trọng tội à?
     -  Tôi không nói hiếp dâm không phải là trọng tội, nhưng hành lạc trái phép không phải là vấn-đề đơn giản; thường là do sự ưng-thuận của đôi bên như giữa tôi và bà chẳng hạn.
     - Nếu thế ông bảo dụ dỗ con gái hành lạc bất chính không phải là một sự phạm tội sao?
     -  Tùy trường-hợp định-nghĩa, chỉ khi người con gái trẻ dưới 18 tuổi mới đưọc coi là dụ dỗ.
     -  Ông muốn nói con gái dưới 18 tuổi không biết hưởng-thụ ái ân à?
-  Luật-pháp ấn-định như thế!
-  Riêng tôi, việc đó không liên-hệ đến luật-pháp.
-  Nhưng luật-pháp liên-hệ với bà!
     -  Tại sao liên-hệ với tôi? Tôi chưa hề phạm tội. Chỉ có đàn ông các anh mới là những tội phạm.
Luật-sư và tôi cùng bật lên cười.
Bà bạn chỉa mũi dùi vào ông luật-sư:
-  Cười cười cái gì?
-  Bà còn tệ hơn luật-pháp, cười cũng không được nữa sao?
     -  Bà ta không ngượng trong chiếc quần lót, nhảy xuống đất, đứng chống nạnh  quắc mắt hỏi anh ta:
-  Nói thật đi, ông có đi chơi đĩ không? Nói mau!
-  Không!
     -  Nói về chuyện tô mì nóng xem sao! Để ông này làm quan tòa!
     -  Có gì đáng nói ! Chỉ là một tô mì nóng không hơn không kém !
-  Chỉ có trời mới biết!
-  Việc xảy ra như thế nào ông bạn?
     -  Tiền bạc đâu chỉ là điều duy-nhất gái điếm cần. Họ cũng nhạy cảm như con người bình thường vậy.
Bà ta cướp lời:
-  Đừng dài dòng, có phải ông đãi cô ta tô mì nóng không?
-  Phải! Nhưng tôi không có ngủ với cô ta.
Tôi thấy bà ấy bặm môi trợn mắt.
     Anh ta kể: Có một đêm trời mưa lất phất, đường xá vắng người, nhưng thấy có một người đàn bà đứng thơ thẩn dưới ngọn đèn đường, anh bèn ra chọc chơi. Anh không ngờ người đó theo anh đến một xe mì được che dưới cây dù vải tẩm dầu to lớn và nói muốn ăn một tô mì nóng. Thế là anh giữ cô ta làm bạn và mỗi người kêu một tô. Lúc ấy anh chỉ có vừa đủ tiền trả hai tô mì và chỉ nói chuyện khơi khơi chớ không có ý đi ngủ với cô ta, mặc dù anh biết cô sẽ theo anh đến bất cứ nơi nào. Anh khai có đưa cô nàng đến ngồi trên ống xi-măng trên vệ đường để sửa chữa cống nước và cũng có choàng tay qua làm việc chút đỉnh.
     -  Nàng có trẻ đẹp không? – Vừa hỏi, người đàn bà vừa nháy mắt với tôi.
-  Cô ta khoảng 20 tuổi và có chiếc mũi vểnh.
-  Ông có thật sự là người đàng-hoàng không?
     -  Lúc ấy tôi sợ nàng không được sạch sẽ hoặc mang một chứng bịnh nào đó.
     -  Bọn đàn ông các anh đều như vậy cả! - Nói xong bà bạn nổi giận nằm xuống giường.
     Oâng luật-sư nói tội nghiệp người con gái đã mặc áo mỏng, lại còn bị ướt hết nữa; vì lúc ấy trời đang mưa, gió rất lạnh.
     -  Tôi tin những điều bạn kể, vì ngoài sự phẫn nộ, con người còn có lòng trắc-ẩn bên trongỉ; nếu không làm sao họ trở thành con người?
     -  Đó là bề mặt của luật-pháp, nhưng theo pháp-luật, nếu có sự hối-thúc tình-dục là phạm tội và như thế, tất cả nhân-loại đều có tội hết.
Chỉ đến lúc này, bà ta mới chịu thở dài, im lặng.
     Chúng tôi rời nhà hàng đi bộ xuống nửa đường đến một cổng gạch xây hình vòng, nhưng không thấy một quán trọ nào. Chỉ có một ánh sáng lờ mờ trên bờ sông phía bên kia cầu. Sau khi làm quen với bóng tối, chúng tôi mới khám phá ra một hàng ghe ống màu đen đang neo dọc theo cầu đá.
      Hai người đàn bà đang qua cầu đi sát lại gần hai người đàn ông chúng tôi.
     "Coi kìa! Mấy người đàn bà này đang đi kiếm khách đấy!" - Bà bạn của ông luật-sư nắm cánh tay tôi nói nhỏ .
     Tôi không chú ý lúc họ băng qua ngang mặt mình, nhưng khi quay lại tôi thấy hai người đàn bà đều mập và lùn, đầu chải mướt với cây kẹp màu bằng nhựa nằm sau gáy. Hình như cả hai đều có đánh phấn.
     Bạn tôi cũng quay lại nhìn một lúc lâu cho đến khi họ đi một khoảng khá xa.
     -  Khách của họ đà số là các công-nhân bến tàu.
-  Bạn có chắc không?
     Điều ngạc nhiên là ngày nay họ làm ăn công-khai, ngay cả trong một phố nhỏ như thế này cũng có đĩ. Họ thường la cà ở các trạm xe lửa và những bến tàu trong thành phố lớn.
-  Hai ông có thể vớt họ cái một!
     Đàn bà sinh ra với trực-giác bén nhạy hơn đàn ông là vậy.
     -  Họ có mật-hiệu riêng, nếu ta trả lời đúng là xong ngay. Đa số họ đến từ những làng lân cận, về đêm mới ra làm ăn kiếm thêm chút tiền.
     -  Tại hai người đó thấy tôi, nếu không họ đã xáp vô gạ chuyện với hai ông rồi.
     -  Theo tôi thấy, hình như họ có chỗ để đi khách. Hay là họ đưa khách về làng?
     -  Không! Có sẵn ghe dưới sông, tha hồ lắc ; hoặc họ có thể kéo đàn ông vào quán trọ.
-  Các phòng ngủ cũng làm ăn công-khai như vậy à?
     -  Họ dàn xếp với nhau cả. Anh chưa gặp trường-hợp này trên các lộ-trình hay sao?
     Tôi sực nhớ lại người đàn bà nói với tôi cần đi Bắc Kinh để nộp đơn kiện về cái chết oan ức của chồng. Bà không có tiền mua vé, và tôi đã tặng bà một nguyên, nhưng không dám chắc bà thuộc về loại người như vậy. Bạn tôi lên tiếng:
     -  Hê! Bạn nên thực-hiện một phóng-tác về xã-hội. Hiện nay việc gì cũng có thể xảy ra.
     -  Xin lỗi! Tôi không giỏi nghiên-cứu xã-hội. Đối với vấn-đề đó, tôi bất lực. Mình chỉ là con chó hoang chạy loanh quanh khắp nơi vậy thôi.
     Cặp bạn hay kê này có thể nghĩ tôi là một thằng khùng!
     -  Đi với tôi! Tôi sẽ làm cho bạn vui.
     Anh ta bỗng nảy ra một sáng-kiến, gọi lớn về mé sông: “Hê lô! Có ai chèo đò không?“. Có tiếng động đậy; anh nhảy xuống thềm đá, bước lên một chiếc ghe nhỏ.
Một giọng nói khàn đục phát ra từ bên trong chiếc mui.
-  Cần gì ?
-  Ông có chèo đò ra ngoài trong ban đêm không?
-  Đi đâu?
     Anh trả lời nhanh chóng :
     - Cầu tàu Tiểu Đương Dương!
     Một người đàn ông trung niên thò đầu ra khỏi mui ống hỏi.
     -  Ông trả bao nhiêu?
     -  Ông muốn lấy bao nhiêu?
-   Hai chục!
-  Mười đồng.
-  Mười tám.
-  Mười!
-  Mười lăm.
-  Mười!
-  Mười đồng, ghe nầy nằm chơi tiếp!
      Nói xong, người đàn ông chun vô ghe. Có tiếng cười khúc khích của một người đàn bà. Chúng tôi nhìn nhau lắc đầu.
     Chợt chúng tôi nghe tiếng nói từ đâu đó:
     -  Tôi có thể đi cầu tàu Tiểu Đương Dương!
Người bạn ra dấu cho hai chúng tôi im lặng, rồi hô lớn:
-  Tôi chỉ có 10 đồng thôi nghe ông hai!
-  Đi đến đấy chờ. Tôi sẽ đem ghe lại đó.
     Tôi phục tài trả giá của người bạn. Một hình thù trong chiếc áo khoác đang chống chiếc ghe lù lù đến.
     -  Bạn nghĩ sao về việc này? Anh nói luôn “Chúng ta vừa tiết-kiệm tiền mướn phòng ngủ, vừa được chơi trăng trên sông! Cái này gọi là lênh đênh trăng nước. Rủi thay, không có trăng nhưng ta không thể thiếu rượu.
     Anh bảo ông lái đò chờ. Ba chúng tôi chạy ngược xuống phố mua một chai Đại Khúc Tửu, một bịch đậu ngâm nước muối và hai cây đèn cầy rồi trở lại liếng thoắng nhảy lên đò.
     Người chèo đò là một ông già khắc khổ. Chúng tôi mở mui nhảy vào trong, mò mẫm trong tối rồi ngồi xuống sàn đan chéo chân nhau. Bạn tôi lấy quẹt máy đốt đèn cầy.
     -  Anh không thể đốt lửa trong ghe. Giọng nói khò khè của ông lão chèo đò phát ra.
-  Tại sao? - Tôi nghĩ có thể đây là điều cấm.
-  Vì lửa sẽ bắt cháy lên mui. - Ông lão thều-thào nói.
     -  Tại sao chúng tôi muốn đốt cháy ghe ông chớ?
     Gió thổi mạnh làm tắt ngọn lửa trên chiếc quẹt máy, và bạn tôi phải kéo rèm mui khít  lại hơn.
     -  Thưa ông lão! Nếu lỡ làm cháy mui, chúng tôi sẽ đền tiền để ông mua lại chiếc mới.
      Người đàn bà còn vui hơn, chen vào giữa hai chúng tôi cười rấm rức. Tình cờ chúng tôi có một đêm thật hứng-thú.
      Ông già bỏ cây chèo xuống, bước vào trong ngăn chúng tôi.
     -  Tôi nói không đốt lửa là không đốt lửa.
     -  Hãy nghe lời ông già. Đi đò trong tối như thế này còn thú-vị hơn. Đừng làm khác lời ông lái. – Nói xong, ông luật-sư mở nấp chai rượu, ngay chân ra và đặt bịch đậu xuống tấm vạt tre trên sàn đò. Tôi ngồi đối-diện với anh ta, chân chạm nhau và chuyền tay chai rượu qua lại. Người đàn bà ngồi tựa vào anh, thỉnh thoảng cũng giựt chai rượu làm một hớp. Trên bãi sông vắng vẻ này chỉ còn tiếng mái dầm và tiếng nước khua được nghe thấy trong đêm.
-  Ông già này gân thật!
-  Mình nên tặng thêm lão năm đồng, không nhiều lắm đâu.
     -  Những sông hồ này trưóc kia tràn đầy đĩ điếm và á phiện, bây giờ nhà nước có nghiêm cấm không?
     Anh luật-sư dựa vào thành ghe trả lời:
     -  Đàn ông, đàn bà ở đây, tất cả đều hư hỏng, làm sao anh giết hết họ được. Cuộc sống ở đây là như thế.
     Màn đêm thỉnh thoảng mở ra cho thấy những chùm sao sáng rồi tối lại. Ở sau lái, tiếng kẽo kẹt của cây dầm vẫn kêu lên đều đặn và chốc-chốc mới nghe tiếng vỗ trên nước. Gió lạnh lùa vào trong chiếc mui ống được gài kín bằng bao nhựa phân bón hóa học dùng để che mưa đỡ gió.
     Ai cũng mỏi mệt nên co người lại trong chiếc hầm hẹp của con đò. Anh luật-sư và tôi, mỗi người ngồi một bên, phải ép người lại sang một bên để nhường chỗ cho bà ấy chen vào giữa.
     Đàn bà người nào cũng vậy, họ luôn luôn cần hơi ấm.
     Tôi biết mơ hồ là khi rời khỏi bến đá, hai bên sông có những cánh đồng trồng trọt, và những chỗ không có bến đậu thì toàn là các bãi sậy màu đất đỏ. Sau khi qua một loạt kinh rạch nhỏ, con đò rẽ vào một đường nước cỏ sậy mọc dày đặc mà một người có thể bị giết chết vất xác ở đó không để lại một dấu vết. Tôi an lòng với ý nghĩ đó, vì chúng tôi ba người chọi một, dù một người trong chúng tôi là đàn bà cũng không ngán; nhất là đối-thủ lại là một ông già gầy yếu. Do đó cứ ngồi ngủ thoải-mái. Bà ta xoay người sang một bên làm cho gót chân tôi chạm vào sống lưng bà và mông của bà ép sát vào đùi tôi, nhưng tôi cứ mặc kệ.
    
Người ta nói tháng mười trên sông hồ là mùa của vạn vật. Mùa nầy đàn bà sáng mắt, ểnh vú lên đi rểu khắp nơi. Trong khoảng không-gian chật hẹp này, da thịt người đàn bà tiết ra một mùi hương rất gợi cảm làm cho tôi chỉ muốn ve vuốt thân thể no tròn đó. Ngồi co rút trong tay ôm của người tình, có lẽ bà cảm được hơi ấm từ người khác nên đặt một tay lên đùi tôi như muốn làm cho tôi thoải mái, dù tôi không thể nói đó là một hành-động vô tình hay cố ý.
     Rồi tôi nghe tiếng gào, nhưng để ý kỹ, hóa ra là tiếng than vãn xuất phát từ sau lái con đò. Thoạt đầu tôi muốn càm ràm, nhưng có một cái gì đó bắt tôi phải lắng nghe. Đó là tiếng khóc nỉ non bay theo gió lạnh trên sông để đi vào không gian tối tĩnh mịch. Chính ông lão chèo đò đang hát! Ông hoàn toàn an nhiên tự tại như không màng đến cảnh vật xung quanh. Âm-thanh không phát ra từ miệng mà thoát từ bên trong lồng phổi và cuống họng của ông ta. Nó là một thứ tiếng nức nở của nỗi buồn chất chứa vừa được giải tỏa. Lúc đầu còn lộn xộn, nhưng về sau tôi dần dần nghe được một vài câu đứt đoạn, bởi thổ ngữ của ông đặc giọng miền quê. Tôi chí có thể nghe những câu như: “ Em gái 17 . . . người cô 18 . . .đi xa với cậu . . .sống đời khổ-sở . . .trôi-nổi lang-thang . . .rồi thành trắng tay . . . trở nên nữ tu . . . cảnh đẹp vô cùng . . .” Sau đó , tôi không còn theo dõi kịp và càng hiểu ít hơn.
    
Tôi vỗ nhẹ trên người họ, hỏi nhỏ :
     -  Hai người có nghe không, ông ta đang hát gì vậy?
     Cả hai cựa mình. Họ đâu có ngủ. Luật-sư duỗi cẳng ngồi dậy hỏi lớn phía sau:
-  Hê! Ông già, ông hát gì đó?
     Có tiếng vỗ cánh hốt hoảng của một con chim bay qua đỉnh mui chiếc ghe ống. Tôi hé cửa rèm và thấy con đò đang tiến vào gần bờ với những luống cây trồng dọc theo bờ bên kia cầu đá. Ông già ngừng hát. Một ngọn gió lạnh thổi vào mặt khiến tôi tỉnh người hẳn.
     -  Thưa tiên sinh, có phải ông vừa hát một bài dân ca?
     Ông lão không trả lời mà chỉ nạy chiếc dầm để con đò từ từ tiến về phía trước với cùng một tốc độ.
     -  Nghỉ tay vô uống với chúng tôi một chút rồi ca tiếp ông ơi!  
     Bạn tôi cố thuyết phục ông ta.
     Ông lão giữ im lặng và tiếp tục chèo đò.
     - Hãy nghỉ ngơi và vào trong uống một tí cho đỡ lạnh rồi hát cho chúng tôi nghe, tôi sẽ tặng thêm ông hai đồng.
     Lời nói của luật sư không khác gì đá ném xuống sông không tạo được một tiếng vang. Ông lái đò có thể bối rối, cũng có thể bỏ qua. Nhưng con đò vẫn lướt trên sông và khi đến chỗ nước xoáy, chúng tôi nghe tiếng sóng vỗ trên mạn thuyền. Bỗng bà bạn bên cạnh nói nhỏ:
     -  Hãy ngủ đi!
     Tất cả chúng tôi đều bất mãn, nhưng không làm gì được, chỉ nằm xuống. Lần nầy cả ba đều nằm ngửa. Khoang thuyền làm như hẹp hơn. Cơ thể chúng tôi ép sát vào nhau làm tôi cảm thấy hơi ấm từ người bà chuyền sang. Không biết do cơn động tình hay do lòng tử tế, bà nắm lấy tay tôi, nhưng việc xảy ra chỉ có vậy thôi. Bất đắc dĩ người ta mới đi xa hơn làm hỏng và quấy nhiễu sự biến ảo kỳ diệu của đêm nay.
     Tôi không còn nghe tiếng động từ người bạn luật-sư và bà bạn anh ta mà chỉ cảm giác một sự căng thẳng từ thân thể mềm bên cạnh đang chuyền hơi ấm. Sự kích-thích ngột ngạt này càng tăng thêm tính chất huyền hoặc của một đêm hư ảo.
     Sau một lúc lâu, tôi mơ hồ nghe lại tiếng khóc, tiếng than van của một linh-hồn bị đày đọa với những ước mơ không được thực-hiện, với những nhọc nhằn khổ ải. Tất cả như một thứ tro tàn bay đi trong gió, một đốm sáng lóe lên, rồi tắt lịm. Giờ này chỉ còn hơi ấm của người đàn bà bên cạnh với một cảm-giác rạo rực. Bỗng nhiên các ngón tay của bà và của tôi lồng chặt vào nhau cùng một thời điểm. Không người nào gây nên tiếng động hay dám làm gì xa hơn để khích động kẻ khác. Và với hơi thở yếu ớt, chúng tôi lắng nhe cơn bão tố đang dậy trong máu.
    Tiếng hát khàn đục của ông già lại vang lên những câu hát êm đềm như mùi ngực thơm của đàn bà, như cảm-giác tuyệt vời khi ngắm đôi chân. Nhưng câu hát ấy không hoàn-toàn, tôi không nắm vững và không thể hiểu hết ý-nghĩa của bài ca. Lời hát đó xa xôi nhưng nó diễn-tả được cuộc sống trong nghề dệt vải. Câu này chồng lên câu kia, nhưng không giống nhau hoàn-toàn. Cái gì như là. . .  nhụy đực chiếc hoa và gương mặt e thẹn. . . xin đừng ve vuốt cành sen. . . váy trắng chóa mắt trên chiếc eo thon. . . vỏ quít lúc nào cũng đắng. . . sóng mắt ngàn năm. . . chuồn chuồn bay lượn vớt nước. . . Đừng! Ồ! đừng giao phó thân-thể cho. . .
     Ông ta đã hấp-thụ ý-nghĩa bài hát rõ ràng trong ký-ức nên khi dùng tất cả những loại câu khác nhau, ông đã diễn-đạt được hình ảnh qua ngôn-ngữ. Từ-ngữ ấy không cần thiết phải có ý-nghĩa đặc-biệt nhưng nó truyền đạt trực-tiếp cảm-giác hứng tình trong suốt bài hát. Nó như vừa nức nở vừa ta thán. Sau cùng, một bài hát dài kết thúc và người đàn bà nhéo tay tôi.
     Cứ thế, không ai động đậy.

     Ông già đang ho. Con đò chao qua một bên. Tôi ngồi dậy hé mui nhìn ra bên ngoài. Ánh sáng mờ nhạt đang trải trên mặt nước trong khi chiếc đò đang tiến vào một con phố nhỏ. Trên bờ, nhà cửa chen chúc nhau, cửa còn đóng và chưa thấy ánh đèn chiếu ra từ các cửa sổ.
     Đèn đường vẫn chưa tắt. Ông lái đò lại ho liên-tục làm cho chiếc ghe lắc mạnh. Dẫu vậy, tôi vẫn nghe tiếng nước đái của ông đang rót lỏn tỏn trên mặt sông!